Hồ Hoàn Kiếm – viên ngọc xanh giữa lòng thủ đô Hà Nội, không chỉ là điểm đến nổi tiếng mà còn là biểu tượng lịch sử văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Cùng SmartTravel khám phá hồ Hoàn Kiếm trong bài viết dưới đây nhé!
1. Giới thiệu chung về hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm hay còn là hồ Gươm, nằm ở giữa thủ đô Hà Nội cạnh các trục đường lớn như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Trần Nguyên Hãn. Nơi đây là biểu tượng lịch sử và văn hóa nổi bật nhất tại thành phố với diện tích khoảng 12ha cùng làn nước xanh mát, được bao quanh bởi những con phố nhộn nhịp và các công trình kiến trúc cổ kính, tạo nên một không gian yên bình và thơ mộng giữa lòng đô thị sầm uất. Ngoài ra, xung quanh hồ còn có những hàng cây cổ thụ như cây lộc vừng, cây si, cây phượng và các loại hoa mang đến không gian xanh mát. Vào mùa thu, lá chuyển vàng phản chiếu xuống mặt hồ, tạo nên cảnh sắc lãng mạn và thơ mộng.
Xung quanh hồ còn có nhiều công trình kiến trúc và những điểm đến nổi bật thu hút khách du lịch như Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc và Tháp Bút,… Du khách khi tới đây có thể ngắm nhìn, check in cùng vẻ đẹp của hồ, tham quan các điểm đến du lịch gần đó hoặc tham gia những hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao được tổ chức xung quanh hồ.
Vào những ngày cuối tuần, khu vực xung quanh hồ được cấm xe, trở thành phố đi bộ, tạo điều kiện cho du khách và người dân có thể đi dạo, tận hưởng không khí thoáng đãng của hồ và tham gia các hoạt động vui chơi thú vị.
2. Truyền thuyết nổi tiếng và lịch sử hình thành hồ
Hồ Gươm được hình thành hoàn toàn tự nhiên từ khúc sông Hồng bị ngắt quãng từ hàng ngàn năm trước, Ban đầu, hồ có tên là hồ Lục Thủy do màu nước xanh ngọc đặc trưng quanh năm. Trong suốt các triều đại phong kiến, hồ không chỉ là nơi diễn ra những lễ hội truyền thống mà còn là điểm nhấn quan trọng tại Thành Thăng Long. Mãi cho đến thời vua Lê, sau sự kiện nổi tiếng tạo nên truyền thuyết vua Lê Lợi và thanh gươm thần, hồ mới được đổi tên.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ 15, khi đất nước đang trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh, vua Lê Lợi được Long Quân ban cho một thanh gươm thần để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhờ có thanh gươm này, vua đã lãnh đạo quân dân Đại Việt giành chiến thắng vang dội, đem lại hòa bình cho đất nước. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trong một lần đi thuyền trên hồ Lục Thủy, vua Lê Lợi gặp một con rùa lớn nổi lên mặt nước. Rùa vàng tiến đến và xin lại thanh gươm thần. Vua Lê Lợi hiểu rằng sứ mệnh của mình đã hoàn thành, liền trả gươm cho rùa vàng. Từ đó, hồ Lục Thủy được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là “hồ trả gươm”, để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, hồ Hoàn Kiếm được cải tạo và quy hoạch lại, xung quanh hồ có thêm những công trình kiến trúc mang phong cách Pháp tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Qua nhiều năm tháng lịch sử thăng trầm, hồ Hoàn Kiếm vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên và trở thành biểu tượng của sự yên bình, khát vọng hòa bình và tinh thần bất khuất của Việt Nam, là điểm đến du lịch nổi bật bạn không nên bỏ lỡ khi tới Hà Nội.
3. Những điểm tham quan nổi bật gần hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên thanh bình mà còn có những công trình kiến trúc độc đáo với nhiều ý nghĩa văn hóa, lịch sử khác nhau mang đến cho du khách những trải nghiệm du lịch đáng nhớ. Dưới đây là một số điểm đến, bạn nhất định nên ghé thăm khi tới hồ Gươm nhé!
Đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn nằm trên đảo Ngọc ở hồ Hoàn Kiếm, là một trong những di tích lịch sử và văn hóa quan trọng của thủ đô Hà Nội. Đền được xây dựng vào thế kỷ 18, thờ các vị anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa như Trần Hưng Đạo và Văn Xương Đế Quân. Đến đền Ngọc Sơn, khu khách sẽ được khám phá công trình kiến trúc với nhiều chi tiết chạm khắc tinh xảo, tạo nên vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng. Bước vào trong đền, ta có thể chiêm ngưỡng không gian thờ cúng được bố trí trang trọng với những bức tượng, hoành phi và những bức tranh thờ được bảo quản kỹ lưỡng. Đền Ngọc Sơn không chỉ là nơi thờ tự linh thiêng mà còn điểm đến hấp dẫn, thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương tới thăm viếng hoặc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng dân tộc.
Cầu Thê Húc
Cầu Thê Húc là một trong những công trình kiến trúc nổi bật và mang tính biểu tượng tại hồ Hoàn Kiếm. Để ra được đền Ngọc Sơn, du khách phải đi qua cầu Thê Húc nổi tiếng. Được xây dựng vào năm 1865, dưới thời vua Tự Đức, cầu Thê Húc gây ấn tượng với du khách bởi thiết kế cong cong, tựa như hình dáng của một con tôm đỏ rực, nổi bật giữa làn nước xanh biếc của hồ. Cầu được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ, màu của sự may mắn và hạnh phúc trong văn hóa Việt Nam. Tên gọi “Thê Húc” cũng rất đặc biệt thể hiện ý nghĩa đón nhận ánh nắng bình minh mang tới sự tươi mới và sức sống cho đền Ngọc Sơn. Du khách đến cầu có thể tham quan, ngắm cảnh hồ hoặc check in bên vẻ đẹp cổ kính nhưng không kém phần cổ kính nơi đây. Cầu Thê Húc không chỉ là công trình kiến trúc đẹp mắt, mà còn mang ý nghĩa phong thủy, kết nối giữa con người với thiên nhiên, đất trời và thần linh. Nếu có dịp tới hồ Hoàn Kiếm, bạn đừng bỏ lỡ điểm du lịch này nhé!
Tháp Bút và Đài Nghiên
Tháp Bút và Đài Nghiên nằm gần cổng vào đền Ngọc Sơn, là hai công trình kiến trúc tượng trưng cho tri thức và văn chương, mang đậm nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tháp Bút được xây dựng từ năm 1865, có hình dáng như chiếc bút lông khổng lồ, cao khoảng 9m. Trên tháp có khắc ba chữ Hán “Tả Thanh Thiên” nghĩa là “viết lên trời xanh”, thể hiện khát vọng của những nhà nho xưa về việc ghi danh tri thức, đóng góp cho nền văn hóa và giáo dục nước nhà. Đài Nghiên là công trình kiến trúc đặt ngay dưới chân Tháp Bút, với hình dáng là nghiên mực đá hình bán nguyệt, tượng trưng cho công cụ để nghiền mực viết. Đài được khắc họa tỉ mỉ với hình dáng một nghiên mực đặt trên ba con ếch, tượng trưng cho sự bình an và trí tuệ. Mặt trên của Đài Nghiên được khắc ba chữ Hán “Thiên thư thạch” (nghĩa là sách trời đá), ý chỉ những tri thức uyên thâm và những giá trị vĩnh cửu của nền văn hóa Việt Nam.Hai kiến trúc đặt gần nhau như biểu tượng về sự học tập và tri thức đồng thời nhắc nhở về giá trị tri thức trong cuộc sống. Đến hồ Hoàn Kiếm, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội check in tại đây nhé!
Tháp Rùa
Tháp Rùa là biểu tượng nổi tiếng và mang tính lịch sử của Hà Nội, nằm trên một hòn đảo nhỏ giữa Hồ Gươm (hay Hồ Hoàn Kiếm). Đây không chỉ là di tích kiến trúc mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hoá, lịch sử sâu sắc gắn liền với truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm. Tháp được xây dựng vào năm 1886, dưới thời nhà Nguyễn nên có kiến trúc pha trộn giữa phong cách Á Đông và phương Tây với ba tầng mái dốc lợp ngói. Tháp cao khoảng 8,8 mét, và mỗi tầng đều có cửa sổ hình vòm, tạo nên sự thanh thoát và độc đáo cho cấu trúc. Đỉnh tháp có hình dáng như một chiếc vương miện, tượng trưng cho quyền uy và sự trang nghiêm. Du khách khi tới hồ Gươm có thể check in cùng vẻ đẹp cổ kính của tháp Rùa tại hai bên bờ hồ vô cùng thú vị.
Tượng đài Lý Thái Tổ
Tượng đài Lý Thái Tổ là công trình nổi bật tại trung tâm thủ đô Hà Nội, nằm ở vườn hoa Chí Linh, phía đông hồ Hoàn Kiếm. Tượng đài dựng lên để tưởng nhớ công lao của Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) – vị vua sáng lập ra triều đại Lý và có công lớn trong việc chuyển đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam. Bức tượng được chạm khắc tỉ mỉ, từng chi tiết trang phục và phụ kiện đều mang đậm nét văn hóa truyền thống thời Lý. Gương mặt Lý Thái Tổ được khắc họa hiền từ, đầy lòng nhân từ nhưng cũng toát lên vẻ quyết đoán và uy nghiêm của một vị hoàng đế. Đây không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật mà còn biểu tượng văn hoá, lịch sử của Hà Nội mang tới cho du khách nhiều hiểu biết hơn về lịch sử Việt Nam.
Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng
Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng là một trong những điểm đến nổi bật tại trung tâm thành phố Hà Nội, nằm dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm. Con phố này được đưa vào hoạt động chính thức từ năm 2016 mang tới cho du khách và người dân không gian công cộng để vui chơi, giải trí và tham quan những dịp cuối tuần. Đến phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng vào những tối cuối tuần, du khách có thể thoải mái tham gia các hoạt động thú vị như xem biểu diễn nghệ thuật đường phố, âm nhạc, nhảy hiện đại, hay tham gia các trò chơi dân gian truyền thống. Ngoài ra, khu vực này còn có nhiều quán cà phê, nhà hàng và quầy hàng lưu niệm, mang đến cho du khách cơ hội thưởng thức ẩm thực đa dạng và mua sắm các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội. Đặc biệt, đây cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm và cầu Thê Húc, vào buổi tối khi ánh đèn lung linh phản chiếu trên mặt hồ, tạo nên một không gian thơ mộng và lãng mạn mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ.
4. Lưu ý gì khi khám phá biểu tượng lịch sử văn hóa Hà Nội
Hồ Hoàn Kiếm và những điểm tham quan lân cận đều là những di tích, điểm đến du lịch lịch sử, vì vậy, du khách cần lưu ý một số điều sau để bảo tồn di tích và có được trải nghiệm du lịch trọn vẹn nhất:
- Trang phục: Lựa chọn những trang phục lịch sự, kín đáo khi tới những địa điểm như đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, Đài Nghiên,…
- Du khách chú ý khi đi lại di chuyển trên cầu Thê Húc hoặc ven bờ hồ Hoàn Kiếm để tránh trơn ngã.
- Du khách khi tới hồ Hoàn Kiếm và các điểm du lịch chú ý giữ gìn vệ sinh chung, vứt rác đúng nơi quy định. Đồng thời nâng cao ý thức bằng cách đi lại nói chuyện nhỏ nhẹ tại những địa điểm tâm linh, lịch sử.
- Khi tham quan Tượng đài Lý Thái Tổ, du khách cần tôn trọng công trình bằng cách không trèo lên tượng hoặc gây hại cho tượng.
- Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng thường rất đông người vào cuối tuần, du khách nên cẩn thận bảo quản tài sản cá nhân.
Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là biểu tượng lịch sử văn hoá mà còn là điểm đến không thể bỏ lỡ trong chuyến du lịch Hà Nội. Nếu bạn tới thủ đô ngàn năm văn hiến, đừng bỏ qua địa điểm này nhé!