Huế mộng mơ không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử và những nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn có những lễ hội đặc sắc. Lễ hội cầu ngư tại thị trấn Thuận An là một trong những lễ hội nổi bật thể hiện tinh thần đoàn kết của ngư dân vùng biển nơi đây. Cùng SmartTravel khám phá những nét đẹp của lễ hội này nhé!
1. Đôi nét về lễ hội cầu ngư và thị trấn Thuận An
Thị trấn Thuận An là một vùng đất yên bình ven biển huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Thuận An nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên thu hút du khách bởi sự kết hợp hoàn hảo giữa đầm phá, biển và sông. Đặc biệt, bạn sẽ không thể cưỡng lại vẻ đẹp của bãi biển Thuận An – một trong những địa điểm du lịch nổi bật tại Huế với bãi cát trắng mịn hòa cùng làn nước trong xanh, thu hút du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn đặc biệt vào mùa hè và mùa du lịch.
Ngoài khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Thuận An còn là địa phương giàu truyền thống văn hóa lịch sử, nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của người dân miền biển. Đặc biệt, lễ hội cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống nổi tiếng nhất của ngư dân miền biển Thuận An, đồng thời thu hút nhiều du khách mỗi năm trở về Huế để tham gia, tìm hiểu. Lễ hội cầu ngư là một lễ hội mang ý nghĩa tốt đẹp vừa để cầu cho mưa thuận gió hòa, thuận buồm xuôi gió để bà con ngư dân ra khơi an toàn và thu được nhiều chiến tích, vừa lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa địa phương nhằm phát triển những nét đẹp truyền thống và thu hút du lịch địa phương.
2. Lễ hội cầu ngư được tổ chức vào thời gian nào trong năm
Lễ hội cầu ngư tại thị trấn Thuận An được tổ chức vào những tháng đầu năm từ tháng Giêng đến tháng Hai âm lịch. Đây là thời điểm lý tưởng nhất trong năm khi ngư dân bắt đầu quay lại ngư trường sau Tết Nguyên đán, chuẩn bị cho một năm lao động mới. Đây không chỉ là dịp để cầu nguyện thần linh che chở cho ngư dân trong quá trình đánh bắt mà còn là thời gian để người dân cùng nhau họp mặt, chia sẻ niềm vui, kết nối cộng đồng sau những ngày nghỉ Tết.
Từng bước thực hiện nghi lễ sẽ được bắt đầu từ sáng sớm với sự tham gia của các bô lão, ngư dân và du khách. Ngoài ra, những hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian được tổ chức suốt ngày, trong đó đua thuyền, hát bả trạo và kéo co là những điểm nhấn thu hút sự chú ý của cả người dân lẫn du khách.
3. Địa điểm tổ chức lễ hội cầu ngư ở đâu
Lễ hội cầu ngư tại thị trấn Thuận An thường được tổ chức tại đình làng Thuận An – trung tâm tín ngưỡng và văn hóa của người dân địa phương. Ngoài ra, đình làng còn là nơi thờ thần Nam Hải (cá Ông) – vị thần bảo vệ ngư dân và là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong lễ hội.
Sau nghi lễ tại đình làng, các hoạt động vui chơi như đua thuyền, hát bả trạo, và các trò chơi dân gian thường diễn ra tại bãi biển Thuận An hoặc các khu vực ven biển, nơi có không gian rộng lớn để thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Bãi biển Thuận An không chỉ là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động văn hóa, mà còn là biểu tượng gắn liền với cuộc sống của người dân vùng biển.
Ngoài ra, khu vực phá Tam Giang cũng có thể diễn ra một số hoạt động liên quan như các cuộc đua thuyền bởi đây cũng là khu vực sông nước, gắn liền với đời sống và sinh hoạt của ngư dân Thuận An.
4. Những phần quan trọng trong lễ hội cầu ngư Thuận An
Lễ hội cầu ngư tại Thuận An cũng giống như nhiều lễ hội truyền thống khác, gồm hai phần chính là: phần lễ và phần hội. Mỗi phần đều có một cách tổ chức và mang ý nghĩa khác nhau góp phần tạo nên không khí trang nghiêm và sôi động của lễ hội.
Phần lễ
Phần lễ là nghi thức quan trọng nhất trong một lễ hội truyền thống bởi nó chứa đựng những tính chất và mang giá trị về mặt tâm linh. Phần lễ tại lễ hội cầu ngư Thuận An có những hoạt động trang trọng sau đây:
Lễ rước thần Nam Hải
Lễ rước thần Nam Hải là một trong những nghi thức quan trọng và trang nghiêm nhất của lễ hội cầu ngư Thuận An. Lễ rước bắt đầu từ đình làng Thuận An – nơi thờ thần Nam Hải, vị thần bảo hộ ngư dân khui ra khơi. Kiệu được trang trí hình tượng cá Ông vô cùng lộng lẫy, đi đầu kiệu là các bô lão và thầy cúng, theo sau là đông đảo ngư dân và người dân trong làng. Đoàn rước di chuyển từ đình làng ra bờ biển hoặc đến miếu thờ ven phá Tam Giang, nơi diễn ra lễ tế thần. Trên đường rước kiệu, người dân thường mang theo lễ vật như hương hoa, trầu cau và các sản vật từ biển để dâng lên thần linh. Không khí lễ rước thần vô cùng náo nhiệt với tiếng trống, tiếng chiêng vang dội khắp mọi nơi, điều này cũng thể hiện lòng thành kính và hi vọng thần Nam Hải sẽ che chở, bảo vệ ngư dân trong suốt mùa ra khơi năm nay.
Lễ cúng tại đình làng Thuận An
Lễ cúng đình tại làng Thuận An là nghi thức trung tâm của lễ hội cầu ngư nhằm thể hiện sự biết ơn và tôn kính đối với ngư dân nơi đây đôi với thần Nam Hải và các vị thần biển. Nghi lễ được tổ chức vô cùng trang trọng dưới sự chủ trì của các bô lão trong làng và thầy cúng. Tại đình làng, một bàn thờ lớn được bày biện công phu với các lễ vật dâng cúng gồm hương, hoa, rượu, trầu cau, xôi, gà, cùng những sản vật đặc trưng từ biển như tôm, cá, mực, thể hiện lòng biết ơn với thiên nhiên đã ban tặng tài nguyên dồi dào. Người dân mặc trang phục truyền thống, thành kính dâng hương cầu nguyện, xin thần linh phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, tàu thuyền an toàn, tôm cá đầy khoang. Trong không gian linh thiêng của đình làng, tiếng tụng kinh, cầu nguyện vang lên hòa cùng tiếng trống, chiêng, tạo nên một không khí thiêng liêng, sâu lắng. Lễ cúng không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành kính mà còn là cơ hội để cộng đồng ngư dân cùng nhau gửi gắm những ước nguyện, hy vọng cho một năm mới bình an và thịnh vượng.
Lễ tạ thần
Lễ tạ thần là nghi thức cuối cùng trong lễ hội cầu ngư tại Thuận An sau khi các hoạt động cúng tế và phần hội kết thúc. Lễ tạ thần là một nghi thức rất quan trọng nhằm cảm tạ thần Nam Hải và các vị thần linh đã bảo vệ ngư dân trong suốt một năm vừa qua, đồng thời bày tỏ lòng thành kính, xin phép thần linh tiếp tục phù hộ cho những chuyến ra khơi an toàn, mùa màng bội thu trong năm tới. Lễ tạ thường được tổ chức tại đình làng, với sự tham gia của các bô lão, thầy cúng và đông đảo ngư dân. Người dân dâng lên thần linh những lễ vật tượng trưng, bao gồm hương, hoa, trái cây, và các sản vật từ biển, cùng lời cầu nguyện cho bình an và thịnh vượng. Sau đó, thầy cúng thực hiện nghi thức tạ thần bằng những lời khấn cầu trang trọng, gửi gắm ước nguyện về sự che chở và ân phúc của thần Nam Hải. Tiếng trống, chiêng vang lên lần cuối, đánh dấu sự hoàn thành của lễ hội. Lễ tạ thần không chỉ là lời cảm ơn sâu sắc mà còn là dịp để củng cố niềm tin của ngư dân vào sự bảo trợ của thần linh, tạo động lực tinh thần cho họ bước vào mùa biển mới đầy hy vọng.
Phần hội
Phần hội của lễ hội cầu ngư diễn ra sau các nghi thức cúng tế và mang tới cho du khách cùng người dân những hoạt động vui chơi, giải trí vô cùng thú vị với những hoạt động thể thao, văn hóa dân gian như:
Đua thuyền
Đua thuyền là hoạt động nổi bật và hấp dẫn nhất trong phần hội. Các đội thuyền từ nhiều làng chài khác nhau trong khu vực đã tới để tham gia tranh tài trên biển hoặc trên phá Tam Giang trong sự reo hò, cổ vũ phấn khích từ nhiều người dân đứng hai bên bờ. Đây không chỉ là hoạt động vui chơi giải trí mà còn thể hiện sức mạnh và kĩ năng của ngư dân, từ đó thể hiện được tinh thần đoàn kết, thi đua để cầu mong một mùa biển bội thu.
Hát bả trạo
Bả trạo là hình thức hát diễn dân gian mang tính chất tế lễ, ca ngợi cuộc sống lao động của ngư dân và lòng thành kính đối với thần linh. Trong phần hội, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức và hiểu thêm về những bài hát do các nghệ nhân trong làng trình diễn với sự tham gia của nhiều người, tái hiện sinh động những câu chuyện về biển cả, thuyền bè và các chuyến ra khơi.
Kéo co và các trò chơi dân gian
Ngoài đua thuyền hay tham gia hát bả trạo, các trò chơi dân gian như kéo co, đấu vật,…cũng được nhiều người chú ý và đăng ký tham gia. Đây đều là những hoạt động vui chơi vô cùng thú vị, thu hút sự tham gia nhiệt tình của cả người lớn và trẻ em.
5. Trải nghiệm thú vị tại lễ hội
Lễ hội Cầu Ngư tại Thuận An mang đến cho du khách và người tham gia nhiều trải nghiệm thú vị và khó quên. Một trong những trải nghiệm nổi bật chính là được chứng kiến các nghi lễ truyền thống trang trọng, đặc biệt là lễ rước thần Nam Hải và lễ cúng tại đình làng. Không khí thiêng liêng với tiếng trống, chiêng vang vọng, cùng hình ảnh đoàn người rước kiệu tạo nên cảm giác như được trở về với những giá trị văn hóa lâu đời của ngư dân miền biển.
Thêm vào đó, các hoạt động vui chơi trong phần hội như đua thuyền trên biển, kéo co, và hát bả trạo mang đến không khí sôi động, hào hứng. Du khách có thể hòa mình vào các trò chơi dân gian, cổ vũ cho các đội đua thuyền đầy kịch tính hoặc tham gia các hoạt động văn hóa khác. Đặc biệt, việc nghe hát bả trạo – một hình thức nghệ thuật dân gian độc đáo, giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống và tín ngưỡng của ngư dân nơi đây.
Không chỉ có nghi thức và trò chơi, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món hải sản tươi ngon và đặc sản địa phương ngay tại khu vực lễ hội, từ những con cá, tôm, mực mới đánh bắt cho đến các món ăn đậm đà hương vị miền biển. Những trải nghiệm này không chỉ giúp du khách tận hưởng niềm vui mà còn mang đến sự kết nối với văn hóa, truyền thống của người dân vùng biển Thuận An.
Lễ hội cầu ngư tại thị trấn Thuận An là một lễ hội truyền thống vô cùng ý nghĩa đối với người dân miền biển Huế. Nếu có dịp, hãy sắp xếp thời gian để tham gia lễ hội này nhé!