Thưởng thức những món ăn ngon nhất định phải có trong ngày Tết tại Việt Nam

Ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam không chỉ hấp dẫn bởi không khí ấm cúng đặc trưng, những hoạt động đón Tết độc đáo mà còn bởi những món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Cùng SmartTravel thưởng thức những món ăn ngon nhất định phải có trong ngày Tết tại Việt Nam trong bài viết dưới đây nhé!

1. Checklist những món ngon ba miền trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam

Bánh chưng

Bánh chưng là biểu tượng ẩm thực của Tết cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc, mang theo nhiều ý nghĩa sâu sắc về sự vuông tròn, hòa hợp của đất trời. Bánh là sự kết hợp hoàn hảo của lớp gạo nếp dẻo thơm bên ngoài, bao bọc trọn lấy nhân đỗ xanh, thịt xào thơm bên trong, tất cả gói lại bằng lớp lá dong xanh và buộc chặt bằng lạt tre, sau đó luộc nhiều giờ để tạo nên chiếc bánh vuông vức, thơm ngon. Ngày Tết, ngồi quây quần bên mâm cơm đoàn viên, thưởng thức bánh chưng cùng dưa hành quả thật là trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời, không gì sánh được. 

Món bánh chưng truyền thống vô cùng hấp dẫn. Ảnh: sưu tầm
Món bánh chưng truyền thống vô cùng hấp dẫn. Ảnh: sưu tầm

Bánh tét

Đối với những người dân miền Trung và miền Nam, bánh tét là món bánh cổ truyền phổ biến hơn cả. Khác với bánh chưng, bánh tét có hình trụ dài tượng trưng cho sự sung túc và trường thọ, đặc biệt, không chỉ có nhân đậu xanh, thịt mỡ và gạo nếp, bánh tét còn có loại nhân chuối mang đến hương vị ngọt ngào, khó cưỡng. Khi cắt bánh, các lớp nhân lộ ra đẹp mắt, tượng trưng cho sự may mắn và sung túc. Bánh tét thường được dùng kèm với củ kiệu, dưa món để tăng hương vị. Đây chính là món bánh truyền thống gợi nhớ đến những ngày đoàn tụ, không thể thiếu trong mâm cơm những người con miền trong của Việt Nam được. 

Một số loại bánh tét đẹp mắt, hấp dẫn. Ảnh: sưu tầm
Một số loại bánh tét đẹp mắt, hấp dẫn. Ảnh: sưu tầm

Dưa hành, củ kiệu muối

Trên mâm cỗ Tết của người Việt, không thể thiếu món dưa hành hay củ kiệu muối được. Hành củ và củ kiệu được chọn tươi ngon, bóc vỏ, ngâm nước muối và phơi khô, sau đó muối chua. Nếu như, dưa hành mang vị chua nhẹ thì củ kiệu được ngâm chua ngọt, giòn tan, vô cùng hấp dẫn. Cả hai loại dưa muối này đều được thưởng thức cùng với bánh chưng, nem rán hãy những món ăn dầu mỡ để cân bằng vị giác. Đồng thời, đây cũng là những món ăn giản dị nhưng mang ý nghĩa to lớn, tượng trưng cho sự hài hòa và tiết kiệm trong dịp lễ Tết lớn. 

Củ kiệu muối chua cay ngọt giải ngấy trong bữa cơm. Ảnh: sưu tầm
Củ kiệu muối chua cay ngọt giải ngấy trong bữa cơm. Ảnh: sưu tầm

Giò các loại

Giò lụa, giò bò, và giò xào là những món không thể thiếu trong ngày Tết ở cả ba miền. Giò lụa được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, trộn với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín. Trong khi đó, giò bò thường có hương vị đậm đà hơn với nguyên liệu chính là thịt bò xay nhuyễn và tiêu. Đặc biệt, giò xào (giò thủ) là món giò đặc trưng của người dân miền Bắc, là sự kết hợp của tai lợn, mũi lợn, nấm hương, mộc nhĩ, được xào chín, ép chặt vào khuôn. Các loại giò không chỉ dễ bảo quản mà còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự viên mãn, tròn đầy trong năm mới. Đây chính là những món ăn nhất định không thể thiếu trong ngày lễ Tết cổ truyền. 

Giò truyền thống của người Việt Nam. Ảnh: sưu tầm
Giò truyền thống của người Việt Nam. Ảnh: sưu tầm

Thịt đông

Thịt đông là món ăn đặc trưng và không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc. Món thịt này bao gồm nhiều nguyên liệu như thịt chân giò, mộc nhĩ, nấm hương, và gia vị. Thịt sau khi cắt miếng vừa ăn sẽ được ninh nhừ cùng các nguyên liệu, gia vị cơ bản và nhiều nước trong nhiều giờ, sau đó để nguội, tạo thành lớp đông tự nhiên nhờ gelatin từ thịt. Bạn nên ăn kèm dưa hành hoặc dưa chua để cảm nhận trọn vẹn vị thơm ngon, đậm đà của món thịt hấp dẫn này. Đây là món ăn truyền thống mang ý nghĩa tượng trưng cho sự mát lành, yên ấm trong năm mới, du khách nhất định không nên bỏ qua. 

Sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt đông dưa hành. Ảnh: sưu tầm
Sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt đông dưa hành. Ảnh: sưu tầm

Canh măng khô

Canh măng khô là món canh truyền thống, quen thuộc trong ngày Tết, phổ biến nhiều hơn ở miền Bắc. Măng khô được ngâm mềm, thái nhỏ và nấu cùng xương lợn hoặc chân giò để tạo nước dùng ngọt thanh. Thêm vào đó, mộc nhĩ và nấm hương được dùng để tăng thêm hương vị. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà, mềm dai của măng khô kết hợp với vị ngọt tự nhiên từ xương, làm hài hòa các món nhiều dầu mỡ khác trong mâm cỗ Tết. Đây chính là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ tết cổ truyền của người Việt. 

Canh măng khô nổi bật trong mâm cỗ người miền Bắc. Ảnh: sưu tầm
Canh măng khô nổi bật trong mâm cỗ người miền Bắc. Ảnh: sưu tầm

Thịt gác bếp

Đối với người đồng bào dân tộc miền núi, thịt gác bếp là món đặc sản hấp dẫn, thu hút nhiều du khách nếm thử. Món ăn này thường được làm từ thịt bò, thịt trâu, sau khi ướp gia vị như muối, ớt, mắc khén, sau đó treo lên gác bếp để sấy khô tự nhiên. Món ăn hấp dẫn với mùi thơm của mắc khén, cay nhẹ nhưng ăn kĩ sẽ thấy da ngọt, thích hợp để bạn có thể nhâm nhi cùng người thân và gia đình, bạn bè trong những ngày Tết. Đây không chỉ là món ăn tượng trưng cho sự trù phú, đủ đầy mà còn là món quà tặng ý nghĩa trong dịp lễ lớn này. 

Món nhậu thu hút nhiều du khách trong dịp lễ Tết. Ảnh: sưu tầm
Món nhậu thu hút nhiều du khách trong dịp lễ Tết. Ảnh: sưu tầm

Xôi các loại

Xôi là món ăn không thể thiếu trên bàn ăn trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Loại xôi nào cũng thơm ngon và mang những ý nghĩa khác nhau như: xôi gấc với màu đỏ tượng trưng cho may mắn, xôi đậu xanh mang ý nghĩa viên mãn, xôi lá cẩm có màu tím đẹp mắt, biểu trưng cho sự thịnh vượng. Ngoài ra, mỗi vùng miền còn có những biến tấu khác như xôi lạc, xôi dừa, tạo sự đa dạng trong ẩm thực Tết. Bạn có thể thưởng thức cùng giò, chả, thịt kho, ruốc hay dưa hành để cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon của những món xôi này nhé!

Xôi vò hấp dẫn trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: sưu tầm
Xôi vò hấp dẫn trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: sưu tầm

Thịt heo ngâm nước mắm

Một trong những món ăn hấp dẫn trên mâm cơm Tết của người miền Trung chính là món thịt heo ngâm nước mắm, thơm ngon và độc đáo. Thịt ba chỉ luộc chín, sau đó ngâm trong nước mắm pha đường, tỏi, và ớt, để thêm vài ngày, thịt sẽ thấm gia vị, trở nên đậm đà, thơm ngon. Du khách có thể thưởng thức món ăn này kèm bánh tráng và rau sống, không chỉ ngon miệng mà còn dễ bảo quản trong suốt dịp Tết. 

Thịt heo ngâm mắm nổi bật trong mâm cỗ người miền Trung. Ảnh: sưu tầm
Thịt heo ngâm mắm nổi bật trong mâm cỗ người miền Trung. Ảnh: sưu tầm

Canh bóng thả

Một món canh vô cùng hấp dẫn trên mâm cỗ cổ truyền Việt Nam, với nguyên liệu đa dạng như bóng bì heo, thịt, tôm, và các loại rau củ như cà rốt, su hào, đậu Hà Lan. Món ăn gây ấn tượng với nước dùng trong, hương vị ngọt thanh cùng bóng bì mềm mại kết hợp với rau củ đầy màu sắc, tạo nên món ăn hấp dẫn và thanh tao, tượng trưng cho sự sung túc và hòa hợp. Món ăn này vừa làm cho mâm cỗ Tết thêm đa dạng, hấp dẫn vừa là một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ cho mỗi người dùng. 

Canh bóng thả thơm ngon, đẹp mắt. Ảnh: sưu tầm
Canh bóng thả thơm ngon, đẹp mắt. Ảnh: sưu tầm

Thịt kho tàu

Thịt kho tàu là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết miền Nam. Thịt ba chỉ và trứng vịt được kho với nước dừa tươi, tạo hương vị ngọt thanh, béo ngậy. Du khách nên ăn kèm với cơm trắng, dưa giá hoặc củ kiệu để cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà của món ăn này nhé. Thịt kho tàu mang ý nghĩa gia đình ấm cúng, hòa thuận trong năm mới, vì vậy nhất định không thể thiếu trong danh sách những món ăn ngon ngày Tết tại Việt Nam.

Thịt kho tàu hấp dẫn vô cùng. Ảnh: sưu tầm
Thịt kho tàu hấp dẫn vô cùng. Ảnh: sưu tầm

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn truyền thống ngày Tết miền Nam, được làm từ thịt heo, mỡ heo, và gia vị. Thịt được nhồi vào ruột heo, sau đó phơi khô hoặc hun khói. Lạp xưởng có vị ngọt nhẹ, béo ngậy nên khi ăn, du khách có thể chiên, hấp hoặc khìa với nước dừa để ăn kèm cơm hoặc xôi. Đây là món ăn tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc trong năm mới, đồng thời là món quà Tết vô cùng ý nghĩa, du khách nên tham khảo nhé!

Lạp xưởng Sóc Trăng thơm ngon. Ảnh: sưu tầm
Lạp xưởng Sóc Trăng thơm ngon. Ảnh: sưu tầm

Canh khổ qua

Canh khổ qua nhồi thịt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết miền Nam. Khổ qua được nhồi thịt heo xay, nấm mèo, và gia vị, sau đó hầm trong nước dùng ngọt thanh. Món ăn này có ý nghĩa đặc biệt, tượng trưng cho sự vượt qua khó khăn, đón chào năm mới đầy may mắn và tốt lành, vì vậy, hãy ăn một bát canh khổ qua với mong cầu bình an cho một năm mới nhé!

Món canh khổ qua truyền thống của người miền Nam trong ngày Tết. Ảnh: sưu tầm
Món canh khổ qua truyền thống của người miền Nam trong ngày Tết. Ảnh: sưu tầm

2. Lưu ý gì khi thưởng thức những món ăn ngày Tết

Thưởng thức các món ăn ngày Tết là một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống, nhưng để đảm bảo sức khỏe và tận hưởng trọn vẹn hương vị, bạn nên lưu ý những điểm sau:

  • Ăn uống điều độ: Du khách nên kiểm soát đủ lượng thức ăn để cảm nhận hương vị mà không gây áp lực cho dạ dày từ đó có được trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn nhất. 
  • Cân bằng dinh dưỡng: Bạn nên kết hợp những loại đồ ăn với nhau, vừa đủ rau đủ thịt và các chất dinh dưỡng để cân bằng cơ thể.
  • Lựa chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe: Đối với những du khách có bệnh mãn tính hoặc những bệnh cần ăn kiêng, hãy lựa chọn thực phẩm và món ăn phù hợp với bản thân nhé!
  • Bảo quản thực phẩm đúng cách: Nên ăn chín uống sôi, tránh những đồ ăn nguội hoặc đồ ăn hỏng, lên men,…
  • Tôn trọng văn hóa truyền thống: Khi ngồi vào mâm cỗ Tết, hãy thưởng thức các món ăn với lòng biết ơn, trân trọng sự chuẩn bị của gia đình. Đặc biệt, bạn nên tránh lãng phí thực phẩm, ăn vừa đủ và không để thừa đồ của mình.

Trên đây là những món ăn ngon nhất định phải có trong ngày Tết tại Việt Nam du khách nhất định không nên bỏ lỡ. Nếu có cơ hội du lịch trong dịp đầu năm, hãy tham khảo bài viết trên để có trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ nhất nhé!

Related Posts

Leave a Reply