Khám phá nét đẹp văn hóa ngày Tết trên mọi miền Tổ Quốc Việt Nam

Ngày Tết cổ truyền Việt Nam là một trong những dịp đặc biệt nhất trong năm khi du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu và tận hưởng sự độc đáo và đa dạng văn hóa đón Tết trong đời sống của mọi miền. Cùng SmartTravel khám phá những nét đẹp văn hóa ngày Tết trên mọi miền Tổ Quốc trong bài viết dưới đây nhé!

1. Những nét văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam du khách nên biết

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh tét biểu trưng cho trời, thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và đất trời đã mang lại mùa màng bội thu. Chính vì vậy, gói bánh chưng, bánh tét để đón Tết từ lâu đã là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của người Việt Nam. Trước Tết, các gia đình thường quây quần bên nhau, chuẩn bị nguyên liệu gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, và lá dong hoặc lá chuối. Người lớn hướng dẫn trẻ nhỏ cách gói bánh vuông vắn, đều tay. Đặc biệt, những phút giây đáng nhớ nhất phải kể tới lúc mọi người cùng nhau canh nồi bánh chưng luộc bên bếp củi hồng, vô cùng ấm cúng. Vừa tận hưởng không khí ấm nóng bếp lửa, vừa hít hà hương thơm bánh chưng bánh tét chín tỏa khắp không gian, chắc chắn là những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong mùa Tết về. Đây chính là truyền thống tốt đẹp, duy trì nét văn hóa dân tộc, giúp các thế hệ trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của Tết và giá trị của sự đoàn viên gia đình.

Nét đẹp truyền thống ngày Tết. Ảnh: sưu tầm
Nét đẹp truyền thống ngày Tết. Ảnh: sưu tầm

Cúng Táo Quân và thả cá chép

Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người Việt sẽ thực hiện lễ cúng ông Công, ông Táo để tiễn các vị Táo Quân về trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong năm. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa không thể mai một và không gì thay thế được mỗi dịp Tết đến xuân về ở khắp mọi miền Tổ quốc. Người dân sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng bao gồm gà luộc, xôi, chè, và các món ăn truyền thống, đi kèm hương, đèn, và cá chép – loài vật được xem là phương tiện đưa Táo Quân về trời. Sau lễ cúng, bạn cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm thả cá chép xuống ao, hồ hoặc sông với ý nghĩa phóng sinh, cầu mong may mắn và bình an trong năm mới. Phong tục này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm với thiên nhiên, đồng thời là dịp để bạn có thể dọn dẹp bếp núc, chuẩn bị cho năm mới với nhiều điều tốt lành. 

Lễ cúng Táo Quân truyền thống. Ảnh: sưu tầm
Lễ cúng Táo Quân truyền thống. Ảnh: sưu tầm
Nghi thức thả cá chép đưa ông Táo về trời. Ảnh: sưu tầm
Nghi thức thả cá chép đưa ông Táo về trời. Ảnh: sưu tầm

Làm mâm ngũ quả

Một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết của người Việt chính là làm mâm ngũ quả chưng bàn thờ – tượng trưng cho sự đủ đầy, thịnh vượng và lời cầu mong an khang cho năm mới. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có sự khác biệt về những loại quả trên mâm như: miền Bắc thường bày chuối, bưởi, cam, quýt, và hồng còn miền Nam ưu tiên mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, và sung với ngụ ý “Cầu vừa đủ xài sung túc”. Khi chuẩn bị mâm ngũ quả, người ta cần khéo léo lựa chọn những trái cây tươi ngon và sắp xếp sao cho hài hòa đẹp mắt bởi đây không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, gợi nhớ về giá trị truyền thống và lòng hiếu kính với tổ tiên.

Mâm ngũ quả đặc trưng của người miền Bắc. Ảnh: sưu tầm
Mâm ngũ quả đặc trưng của người miền Bắc. Ảnh: sưu tầm

Cúng giao thừa và tạ ơn tổ tiên

Trong dịp Tết của người Việt Nam, lễ cúng giao thừa và tạ ơn tổ tiên là nét văn hóa đặc biệt không thể bỏ lỡ. Lễ cúng sẽ diễn ra vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với y nghĩa to lớn là trừ bỏ những điều xấu, đón nhận may mắn và bình an. Ngoài ra, khi chuẩn bị cúng giao thừa, mâm cúng thường gồm gà luộc, xôi, rượu, nhang đèn, bánh chưng, và các món ăn truyền thống. Sau lễ cúng giao thừa, người Việt làm lễ tạ ơn tổ tiên tại bàn thờ gia đình, dâng lên mâm cỗ đầy đủ để mời ông bà tổ tiên về chung vui Tết cùng con cháu. Đây là dịp để mỗi gia đình bày tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn và cầu mong tổ tiên phù hộ cho năm mới hạnh phúc, thuận lợi.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ảnh: sưu tầm
Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ảnh: sưu tầm

Mua hoa hoặc cây cảnh chưng Tết

Ngày Tết chính là dịp để người ta trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp và trang trí lại ngôi nhà sau một năm dài và cây cảnh hoặc hoa chính là một trong những vật tô điểm thêm sắc màu rực rỡ. Đối với người miền Bắc, cây đào hồng hay cây quất là những lựa chọn phổ biến nhất, còn ở miền Nam, cây mai vàng được ưa chuộng – tượng trưng cho phú quý. Ngoài ra, các loại hoa như cúc, lan, hồng cũng được ưa chuộng để làm đẹp không gian sống. Người Việt thường đến chợ hoa, chợ Tết để chọn mua cây hoa ưng ý, vừa là cách chuẩn bị đón Tết vừa thưởng thức không khí nhộn nhịp. Việc chưng hoa và cây cảnh ngày Tết không chỉ làm đẹp ngôi nhà mà còn thể hiện mong muốn một năm mới tươi sáng, đầy hy vọng.

Nhiều lựa chọn cây cảnh chưng Tết. Ảnh: sưu tầm
Nhiều lựa chọn cây cảnh chưng Tết. Ảnh: sưu tầm

Tục lệ xông đất đầu năm

Xông đất đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về nhằm mở đầu năm mới thật thuận lợi. Người xông đất là người đầu tiên bước vào nhà sau giao thừa, thường được gia chủ lựa chọn kỹ lưỡng dựa trên tuổi, mệnh, và tính cách phù hợp với năm mới. Đối với người Việt, người xông nhà hợp với gia chủ sẽ mang vận khí tốt giúp gia đình có một năm thật an lành, hạnh phúc và thành công. Vì vậy, khi tới xông đất, người xông thường mang theo lời chúc may mắn, phong bao lì xì, hoặc một món quà nhỏ để gửi tặng gia chủ. Trong không khí đầu xuân, tục xông đất không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện sự gắn kết và tình cảm giữa người thân, bạn bè.

Nét đẹp văn hóa lưu truyền nhiều thế hệ. Ảnh: sưu tầm
Nét đẹp văn hóa lưu truyền nhiều thế hệ. Ảnh: sưu tầm

Tặng và nhận lì xì may mắn

Trong ngày lễ tết đầu năm, việc trao và nhận lì xì được nhiều người mong chờ nhất, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Những phong bì lì xì với màu sắc và kiểu dáng khác nhau chứa tiền mừng tuổi không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là lời chúc may mắn, tài lộc và sức khỏe. Người lớn thường lì xì cho trẻ nhỏ và người già, thể hiện tình yêu thương và sự kính trọng. Ngược lại, con cháu cũng lì xì ông bà, cha mẹ như lời cảm ơn và cầu chúc an khang. Phong tục này tạo nên không khí vui tươi, ấm áp, gắn kết tình cảm gia đình và xã hội trong những ngày đầu xuân.

Trao gửi may mắn. Ảnh: sưu tầm
Trao gửi may mắn. Ảnh: sưu tầm

Văn hóa chúc Tết đầu năm

Đi cùng với người xông đất hay những phong bao lì xì là những lời chúc tốt đẹp mà mọi người dành cho nhau trong ngày đầu xuân năm mới. Việc chúc Tết từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, thể hiện sự quan tâm đầy tình cảm đến người thân, bạn bè. Bạn có thể gửi những lời chúc đơn giản như: Chúc mừng năm mới, vạn sự như ý, năm mới tấn tài tấn lộc,… đều vô cùng ý nghĩa thay cho lời chào đầu năm. 

Chúc Tết gia đình. Ảnh: sưu tầm
Chúc Tết gia đình. Ảnh: sưu tầm

Tham gia lễ hội và chơi những trò chơi dân gian

Dịp Tết là thời điểm các lễ hội truyền thống diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, tạo điều kiện để du khách vừa có cơ hội khám phá sự đa dạng của văn hóa vừa tận hưởng không khí tươi mới đầu năm. Bên cạnh lễ hội, các trò chơi dân gian như kéo co, đánh đu, bịt mắt bắt dê, nhảy sạp cũng được tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Đây không chỉ là dịp để vui chơi mà còn là cơ hội để các thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống. Những hoạt động này góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và tăng thêm không khí hân hoan trong những ngày đầu năm mới.

3. Ngày Tết Việt Nam nên kiêng làm những việc gì

Không chỉ có những nét đẹp văn hóa trong dịp lễ Tết, người Việt ở từng địa phương còn có những điều kiêng kỵ mà không phải ai cũng biết. SmartTravel chia sẻ tới bạn một số điều sau đây để tránh trong những ngày đầu năm nhé!

  • Không quét nhà, đổ rác vào ngày mùng Một để tránh mất tài lộc và vận may
  • Không vay mượn hay đòi nợ để tránh sự thiếu hụt tài chính, làm mất lộc
  • Tránh làm vỡ đồ vật để không gặp xui rủi, đổ vỡ
  • Kiêng nói những điều xui xẻo
  • Tránh cãi vã, khóc lóc vào những ngày đầu năm
Tránh quét nhà đuổi tài lộc. Ảnh: sưu tầm
Tránh quét nhà đuổi tài lộc. Ảnh: sưu tầm

Trên đây là những nét đẹp văn hóa ngày Tết trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam SmartTravel chia sẻ tới bạn. Nếu có dịp đi du lịch trong dịp lễ Tết sắp tới, hãy tham khảo bài viết trên để có trải nghiệm trọn vẹn nhất nhé!

Related Posts

Leave a Reply