Lễ hội Lê Hoàn là một trong những lễ hội văn hóa độc đáo tại Thanh Hóa, thu hút nhiều du khách và người dân địa phương bởi những dấu ấn văn hóa và nghi thức truyền thống đặc sắc. Cùng SmartTravel tham gia và khám phá nét đẹp lễ hội Lê Hoàn trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về giá trị truyền thống quý báu của dân tộc nhé!
1. Đôi nét về lễ hội Lê Hoàn
Lễ hội Lê Hoàn là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của người dân Thanh Hóa, được tổ chức để tưởng nhớ và tri ân công lao của Lê Hoàn – vị vua đầu tiên của triều Tiền Lê – người đã lãnh đạo nhân dân chiến thắng quân Tống xâm lược vào năm 981. Lễ hội Lê Hoàn còn mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc giúp du khách và người dân địa phương có cơ hội tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tinh thần yêu nước của vua Lê Hoàn. Trong quá trình tổ chức, mọi nghi thức truyền thống như dâng hương, rước kiệu, trò chơi dân gian,… đều được tiến hành chỉn chu từ đó không chỉ làm sống lại không khí lịch sử hào hùng mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với tiền nhân. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để cộng đồng cùng nhau gắn kết, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lâu đời, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

2. Lễ hội được tổ chức vào thời gian và địa điểm nào
Lễ hội Lê Hoàn là lễ hội truyền thống của vùng đất Trung Lập, nơi từng được gọi là “kẻ sập”, gắn liền với vị Anh hùng dân tộc Lê Hoàn. Sau khi ông băng hà, người dân nơi đây đã lập đền thờ ngay trên chính mảnh đất mà gia đình ông từng sinh sống ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để hàng năm vào ngày mất của vua Lê Hoàn (mùng 8 tháng 3 âm lịch), lễ hội truyền thống được tổ chức để người dân bày tỏ lòng kính trọng, tri ân công lao to lớn của vị vua cùng các tướng lĩnh.

Đây là thời điểm đặc biệt để người dân Thanh Hóa và du khách thập phương trở về nơi gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Hoàn, đồng thời cũng là một di tích lịch sử quan trọng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và tâm linh của người dân xứ Thanh để cùng nhau tưởng nhớ công lao to lớn của vua Lê Hoàn, vị anh hùng dân tộc đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đất nước.
3. Đôi nét về đền thờ Lê Hoàn
Đền thờ Lê Hoàn nổi bật với nhiều nét đẹp kiến trúc truyền thống của đền thờ Việt Nam và đặc trưng của vùng đất xứ Thanh. Đền Lê Hoàn xây dựng theo kết cấu chữ Công, bao gồm 3 gian chính, phân bố thành các khu nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Tổng thể kiến trúc được xây dựng kiên cố, với hệ thống giá chiêng, chồng rường, kẻ bảy, và kèo góc liên kết hài hòa, tạo nên sự vững chãi và bề thế cho công trình. Đặc biệt, đền thờ còn ghi dấu ấn với những chi tiết chạm khắc tinh xảo, công phu từ chạm thủng, chạm nổi đến chạm bong, tất cả đều được thực hiện trên một bố cục tỉ mỉ và hài hòa. Những hoa văn tinh xảo này không chỉ phản ánh kỹ thuật điêu luyện mà còn thể hiện tư duy thẩm mỹ vượt trội của các nghệ nhân xưa. Với những nét đẹp kiến trúc cùng nghệ thuật trang trí đặc sắc này, đền thờ Lê Hoàn vừa là di tích lịch sử, văn hóa – nghệ thuật quan trọng mà còn là điểm đến du lịch lý tưởng tại vùng đất xứ Thanh cho mọi du khách đó.

4. Những nghi thức và hoạt động truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Lê Hoàn
Trong lễ hội Lê Hoàn có rất nhiều nghi thức trang trọng và ý nghĩa được thực hiện như: Lễ Mộc dục là nghi thức mở đầu lễ hội, mang ý nghĩa thanh tẩy, thể hiện lòng thành kính của người dân đối với vua Lê Hoàn. Việc tắm tượng là hành động linh thiêng nhằm làm sạch tượng thờ, thanh lọc không gian tâm linh và tạo sự trang nghiêm cho các hoạt động kế tiếp; Lễ Tiến gỏi cá tái hiện sự kiện lịch sử khi vua Lê Hoàn yêu cầu sứ giả phương Bắc ăn gỏi cá – một món ăn truyền thống đặc trưng của Việt Nam. Hành động này không chỉ khẳng định lòng tự hào văn hóa dân tộc mà còn thể hiện sự uy dũng và thông minh của vị vua trong việc giao thiệp với sứ thần nước lớn; Tục Bồi tường nhằm tưởng nhớ thời kỳ vua Lê Hoàn còn là tướng lĩnh, đã chỉ huy quân đội xây dựng các công sự phòng thủ vững chắc bằng cách đào hào, đắp lũy. Đây là cách người dân gợi lại tinh thần quân sự tài tình và những chiến công hiển hách của nhà vua trong việc bảo vệ đất nước. Những nghi thức này không chỉ là phần cốt lõi trong lễ hội mà còn là di sản văn hóa tinh thần, góp phần giữ gìn và truyền tải các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, trong lễ hội, nghi thức rước kiệu tế lễ tại đền thờ và dâng lễ vật cũng là những phần quan trọng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với vị vua anh hùng. Đoàn rước kiệu khởi hành từ đền thờ, đi qua các lăng Quốc mẫu, lăng Hoàng khảo và quay về đền chính để thực hiện nghi thức dâng hương, tế lễ. Đặc biệt, đoàn rước được tổ chức công phu, với sự tham gia của những người dân trong trang phục truyền thống, mang theo cờ lộng, binh khí, bát bửu, cùng âm thanh từ phường nhạc bát âm, tạo nên không khí trang nghiêm nhưng không kém phần sôi động. Ngoài ra, để tham gia rước kiệu, đoàn phu kiệu được lựa chọn kỹ lưỡng từ các nam thanh nữ tú của làng, đảm bảo sức khỏe, phẩm chất đạo đức và sự trang nghiêm. Theo tục lệ, những người thực hiện nghi lễ trong lễ hội được các cụ cao niên tuyển chọn kỹ càng, dựa trên những tiêu chí truyền thống, như sức khỏe tốt, đức độ, gia đình hòa thuận và không vướng chuyện tang gia. Bên cạnh đó, chủ tế và đội tế thường là các bậc cao niên trong làng, những người được kính trọng bởi kinh nghiệm và sự mẫu mực.

Không chỉ có những nghi thức lễ hội truyền thống, du khách còn cơ cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động thú vị tại đây như thưởng thức các điệu hát chèo, tuồng cổ để hiểu hơn về các sự kiện lịch sử và công trạng của vua Lê Hoàn qua các màn trình diễn nghệ thuật dân gian. Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội tận hưởng những trận đấu võ thuật truyền thống – tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc và tham gia nhiều trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, đấu vật, và nhiều trò chơi truyền thống khác mang lại không khí sôi động và gắn kết cộng đồng.

5. Lưu ý gì khi tham gia lễ hội truyền thống này
Để tham gia lễ hội Lê Hoàn được trọn vẹn và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, du khách nên lưu ý một số điều dưới đây:
- Tôn trọng không gian lễ hội: Khi tới tham quan lễ hội, du khách nên chú ý giữ gìn trật tự, tránh gây ồn ào hoặc có những hành động làm mất đi không khí trang nghiêm tại các nghi thức quan trọng như dâng hương, rước kiệu, hay tế lễ. Bên cạnh đó, bạn nên tuân thủ các quy định của ban tổ chức, đặc biệt trong khu vực đền thờ và khi tham gia các nghi lễ truyền thống.
- Trang phục phù hợp: Khi tới tham dự lễ hội truyền thống, du khách nên ăn mặc lịch sự, ưu tiên quần áo truyền thống hoặc đơn giản, tránh những trang phục quá lòe loẹt hoặc không phù hợp với không gian văn hóa tâm linh.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường: Bạn chú ý không xả rác bừa bãi tại khu vực lễ hội. Hãy sử dụng các thùng rác công cộng được bố trí xung quanh. Nếu tham gia các gian hàng ẩm thực, chú ý giữ vệ sinh chung để đảm bảo không gian sạch đẹp cho các hoạt động lễ hội.
- Tôn trọng giá trị văn hóa và tín ngưỡng: Du khách không chạm tay hoặc có hành động không phù hợp với tượng thờ, đồ lễ, hay các vật phẩm trưng bày tại đền. Khi dâng hương, thực hiện đúng trình tự và quy định của lễ hội, tránh tự ý thực hiện các nghi thức không phù hợp.
- Ghi nhớ những quy định đặc thù của lễ hội: Một số khu vực hoặc nghi lễ có quy định chỉ dành cho những người tham gia chính thức, nên tránh tự ý tham gia hoặc tiếp cận mà không được phép.

Trên đây là những nét đặc trưng của lễ hội Lê Hoàn truyền thống tại vùng đất xứ Thanh. Nếu bạn có cơ hội ghé thăm nơi đây đúng dịp, đừng bỏ lỡ cơ hội tham dự nhé!