Lễ hội Mường Xia – nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người đồng bào dân tộc Thái

Lễ hội Mường Xia là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống nổi bật tại vùng đất Thanh Hóa và là nét đẹp tín ngưỡng đặc trưng của người đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Cùng SmartTravel khám phá chi tiết lễ hội này trong bài viết dưới đây để hiểu hơn về những nét đẹp bản sắc văn hóa Việt Nam nhé!

1. Đôi nét về lễ hội Mường Xia truyền thống

Lễ hội Mường Xia là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái tại Việt Nam, đặc biệt thường được tổ chức tại xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một lễ hội mang đậm nét văn hóa dân gian, vừa mang tính tâm linh, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng và lòng biết ơn đối với tổ tiên, thần linh đã bảo vệ và che chở cho người dân. Đặc biệt, lễ hội Mường Xia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ tháng 8 năm 2022, càng tô điểm thêm nét đẹp văn hóa của vùng đất xứ Thanh. 

Giới thiệu về lễ hội Mường Xia. Ảnh: sưu tầm
Giới thiệu về lễ hội Mường Xia. Ảnh: sưu tầm

Lễ hội là dịp để tưởng nhớ Tướng Tư Mã Hai Đào (tức là người anh hùng dân tộc của người Thái sinh ra ở Mường Đào thuộc xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), người có công bảo vệ vùng đất Mường Xia khỏi sự xâm lấn của ngoại bang.

2. Câu chuyện về tướng Tư Mã Hai Đào

Theo truyền thuyết, Tư Mã Hai Đào sinh ra tại bản Mường Đào, Bá Thước, Thanh Hóa, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng nổi tiếng thông minh và yêu thích bắn cung, mài kiếm. Ông lớn lên với vóc dáng lực lưỡng, tướng mạo phi phàm, ông luyện võ xuất sắc nên khi triều đình tổ chức hội đấu võ chiêu hiền tài, ông được quan Lang dẫn đi tham gia và liên tiếp giành chiến thắng, gây tiếng vang khắp nơi. Khi giặc phương Bắc xâm lược vùng biên giới phía Tây Thanh Hóa, Tư Mã Hai Đào xin vua viện trợ binh lực, lương thực và tự chiêu mộ quân lính. Ông dẫn quân đến vùng Mường Lát (nay là xã Tén Tằn), tổ chức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo tài tình, đoàn quân của ông đã chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng, bảo vệ bình yên cho vùng đất.

Sau chiến thắng, ông chọn Mường Xia làm thủ phủ, góp phần phát triển vùng đất này thành trung tâm đông đúc, giàu mạnh. Khi qua đời, ông được dân an táng tại núi Pha Dùa. Người dân Mường Xia luôn tưởng nhớ công lao to lớn của ông, thể hiện qua lễ hội Mường Xia và các nghi lễ dâng hương tại đền thờ ông.

3. Lễ hội được tổ chức vào thời gian và địa điểm nào

Lễ hội Mường Xia thường được tổ chức vào ngày mùng 8 – 9 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây cũng là dịp đầu năm, thời tiết ấm áp tạo điều kiện thuận lợi để mọi nghi lễ và hoạt động của lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Đồng thời, lễ hội được diễn ra tại đền thờ Tướng Pha ở xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là khu vực được coi là linh thiêng, gắn liền với tín ngưỡng và lịch sử của người dân tộc Thái tại vùng đất này. 

Thời điểm tổ chức lễ hội. Ảnh: sưu tầm
Thời điểm tổ chức lễ hội. Ảnh: sưu tầm

4. Những phần quan trọng trong lễ hội Mường Xia

Lễ hội Mường Xia có hai phần chính là phần lễ và phần hội với những hoạt động và nghi thức đặc biệt, để lại nhiều trải nghiệm văn hóa đáng nhớ tạo điều kiện để du khách và người dân có thêm hiểu biết về nét đẹp văn hóa. 

Phần lễ

Phần lễ của lễ hội Mường Xia mang đậm nét linh thiêng và bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, với các nghi thức quan trọng nhằm tỏ lòng thành kính đối với thần linh, tổ tiên và các anh hùng có công với vùng đất Mường Xia. Trong đó, nghi lễ rước đá vía là một nghi thức đặc trưng và mang ý nghĩa quan trọng, mang theo niềm tin của người dân rằng đá vía là vật linh thiêng, tượng trưng cho linh hồn của thần linh, tổ tiên, và là nơi hội tụ sinh khí của đất trời. Để thực hiện nghi thức này, đoàn rước được tổ chức long trọng với sự tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là các vị cao niên, thầy mo và những thanh niên khỏe mạnh trong làng. Họ mặc trang phục truyền thống của người Thái, mang theo cờ, trống và các nhạc cụ dân tộc để tạo không khí trang nghiêm. Đá vía được rước từ một địa điểm linh thiêng về đền thờ, đi qua những con đường chính của làng để nhận sự chào đón và kính trọng của cộng đồng.

Nghi thức chính trong lễ hội. Ảnh: sưu tầm
Nghi thức chính trong lễ hội. Ảnh: sưu tầm

Tiếp đến là nghi lễ rước đồ tế lễ về đền bao gồm nhiều sản vật đặc trưng như xôi, gà, rượu cần, bánh chưng, bánh dày và các loại hoa quả. Đồ tế lễ được chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng của người dân đối với các vị thần linh. Quá trình rước lễ thường có sự tham gia của đội múa xòe hoặc múa sạp đi kèm, tạo nên không khí trang nghiêm mà không kém phần rộn ràng, gắn liền với nét văn hóa dân gian của người Thái.

Hoạt động dâng kiệu ý nghĩa. Ảnh: sưu tầm
Hoạt động dâng kiệu ý nghĩa. Ảnh: sưu tầm

Sau cùng là nghi thức dâng hương tại đền thờ Tư Mã Hai Đào – trung tâm của các nghi thức tâm linh trong lễ hội Mường Xia. Tại đây, các thầy mo hoặc người lớn tuổi trong làng thực hiện nghi thức dâng hương, cầu mong sự che chở của thần linh, tổ tiên, cũng như một năm mới bình an, mùa màng thuận lợi. Bài khấn được đọc trang trọng, bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng đối với những công lao của các vị thần và anh hùng.

Phần hội

Không chỉ có những nghi thức đặc biệt tại phần lễ của lễ hội, phần hội nổi bật với không gian vui chơi và giao lưu văn hóa đặc sắc, tạo điều kiện để du khách có thể hiểu hơn về sự phong phú của truyền thống và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Một trong những điểm nhấn của phần hội là các trò chơi dân gian độc đáo như ném còn, kéo co, bắn nỏ và đi cà kheo. Mỗi trò chơi đều mang những sự thú vị khác nhau: nếu ném còn mang tới hình ảnh những quả còn được ném qua vòng tròn trên cây cao, mang ý nghĩa cầu mong may mắn, sinh sôi nảy nở và hạnh phúc thì kéo và bắn nỏ lại là cơ hội để các đội thi thể hiện sức mạnh, kỹ năng và tinh thần đồng đội, tạo tiếng cười và sự hào hứng cho những người đi chơi hội.

Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội Mường Xia. Ảnh: sưu tầm
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ hội Mường Xia. Ảnh: sưu tầm

Bên cạnh đó, phần hội của lễ hội Mường Xia còn nổi bật với những tiết mục văn nghệ truyền thống như múa xòe, múa sạp được biểu diễn trong tiếng chiêng, trống và đạo cụ âm nhạc dân tộc nhằm tái hiện những nét đẹp văn hóa lâu đời của người Thái.

6. Lưu ý và chuẩn bị để trải nghiệm lễ hội trọn vẹn

Đến tham dự lễ hội Mường Xia là một trong những trải nghiệm văn hóa thú vị đối với mọi du khách khi tới vùng đất xứ Thanh. Để trải nghiệm du lịch văn hóa này được trọn vẹn và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ, hãy lưu ý một số điều dưới đây:

  • Tôn trọng không gian văn hóa và tín ngưỡng: Lễ hội Mường Xia có nhiều hoạt động mang tính tâm linh, đặc biệt là phần lễ. Khi tham dự các nghi thức như rước đá vía, dâng hương tại đền thờ, bạn cần giữ thái độ nghiêm túc, ăn mặc trang trọng và tránh làm ồn. Đặc biệt, du khách không tự ý chạm vào các đồ tế lễ, tượng thờ, hoặc các vật phẩm linh thiêng nếu chưa được sự cho phép của ban tổ chức.
  • Trang phục phù hợp: Khi tham dự lễ hội truyền thống tại địa điểm văn hóa tâm linh, du khách nên chú ý trang phục lịch sự, kín đáo. Nếu có thể, bạn nên mặc các trang phục truyền thống (nếu được mời hoặc khuyến khích), điều này thể hiện sự tôn trọng văn hóa địa phương. 
  • Tuân thủ quy định của ban tổ chức: Lễ hội thường thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia vì vậy bạn nên tuân thủ các hướng dẫn của ban tổ chức để đảm bảo trật tự và an toàn. Ngoài ra, tránh chen lấn, xô đẩy khi tham gia các hoạt động như rước lễ, múa xòe, múa sạp hoặc các trò chơi dân gian để có trải nghiệm tốt nhất. 
  • Đảm bảo an toàn cá nhân: Vì lễ hội có đông người tham dự, du khách hãy chú ý đến tư trang cá nhân để tránh bị thất lạc hoặc mất cắp. Nếu bạn đi cùng trẻ em hoặc người cao tuổi, hãy luôn theo sát để tránh bị lạc trong đám đông nhé!
Lưu ý gì khi tới tham gia lễ hội. Ảnh: sưu tầm
Lưu ý gì khi tới tham gia lễ hội. Ảnh: sưu tầm

Lễ hội Mường Xia là một trong những nét đẹp văn hóa nổi bật tại Thanh Hóa nếu có dịp du khách nhất định không nên bỏ lỡ. Chúc bạn có thật nhiều trải nghiệm đáng nhớ tại mảnh đất xinh đẹp này nhé!

Related Posts

Leave a Reply