Lăng Hiếu Đông là điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn hàng đầu xứ Huế tọa lạc dưới chân những ngọn núi xanh mát, biểu tượng cho sự giao thoa của thiên nhiên và lịch sử. Cùng SmartTravel dạo quanh lăng để tìm hiểu về công trình kiến trúc lịch sử này nhé!
1. Ghé thăm lăng Hiếu Đông vào thời điểm nào
Lăng Hiếu Đông là một trong những điểm đến du lịch nổi bật tại Huế nên du khách có thể tới vào khoảng mùa xuân hoặc mùa thu để có được những trải nghiệm trọn vẹn nhất:
Mùa xuân
Mùa xuân tại Huế bắt đầu từ tháng 2 kết thúc vào tháng 4, nổi bật với thời tiết mát mẻ, dễ chịu thích hợp cho những hoạt động tham quan, khám phá lăng. Đồng thời đây cũng là thời điểm cây cối xanh tốt giúp bạn có thể tự do tận hưởng không gian thiên nhiên thanh bình và lãng mạn. Ngoài ra, du khách còn có thể kết hợp tham dự các lễ hội truyền thống như Tết nguyên đán hoặc các lễ hội văn hóa địa phương khác khi tới tham quan lăng Hiếu Đông vào thời điểm này.
Mùa thu
Mùa thu kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 với không khí mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 20 – 28*C. Lúc này bầu trời tại Huế rất trong xanh, ít mưa lý tưởng cho việc tham quan, khám phá ngoài trời. Đặc biệt vào mùa thu, không gian lăng trở nên tĩnh lặng hơn trong ánh nắng nhẹ nhàng của mùa thu cùng sự rực rỡ của lá cây chuyển màu, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp để du khách vừa có thể tham quan vừa tận hưởng không gian tuyệt vời này.
2. Lịch sử tại lăng Hiếu Đông
Lăng Hiếu Đông không chỉ nổi tiếng là lăng tẩm cổ kính nhất tại xứ Huế mà còn thu hút du khách bởi kiến trúc truyền thống đặc trưng và những câu chuyện lịch sử ý nghĩa. Tọa lạc trong quần thể không gian rộng lớn của Lăng vua Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông là nơi an nghỉ của bà Hồ Thị Hoa – người gốc Bình An, tỉnh Biên Hòa và là con gái của một vị Phúc Quốc Công. Vào năm 1806, khi bà Hồ Thị Hoa vừa tròn 16 tuổi, bà được vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu tuyển vào cung trở thành vợ của thái tử Nguyễn Phúc Đảm (sau này trở thành vợ của vua Minh Mạng). bà hạ sinh một hoàng tử là Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này). Thật không may, chỉ 13 ngày sau khi sinh con, bà qua đời, để lại nỗi đau thương và mất mát lớn lao. Lúc bấy giờ, lăng mộ của bà chỉ được xây dựng một cách đơn sơ, giản dị bên dòng sông Hương hiền hòa. Đến năm 1841, khi hoàng tử Miên Tông lên ngôi, lấy hiệu là vua Thiệu Trị, ông đã truy tôn mẹ mình là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Bằng lòng hiếu thảo với mẹ, vua Thiệu Trị đã xây dựng lại lăng mộ của bà với quy mô lớn hơn và kiến trúc tinh xảo hơn. Công trình này bắt đầu từ thời điểm đó và kéo dài đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).
Không chỉ là minh chứng cho nghệ thuật kiến trúc cung đình thời Nguyễn, lăng Hiếu Đông còn là biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng và lòng hiếu thảo sâu nặng của vua Thiệu Trị. Câu chuyện về bà Hồ Thị Hoa và lăng Hiếu Đông đã trở thành một phần không thể thiếu trong dòng chảy lịch sử và văn hóa của dân tộc, mang tới cho hậu thế một bài học quý giá về tình yêu thương gia đình và đạo hiếu.
3. Khám phá nét đẹp kiến trúc lăng
Cấu trúc san nền và bậc cấp trang trí
Bước vào từ cổng lăng đến các khu vực chính, bạn sẽ gặp một lối đi được thiết kế theo cấu trúc san đất thành ba bậc nền. Từng bậc cấp đều được thiết kế tinh xảo với hình tượng rồng tả thực, uốn lượn đầy mạnh mẽ, mang tới vẻ uy nghi vô cùng, biểu tượng cho quyền lực của vua chúa mà còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện sự bảo hộ cho khu lăng mộ. Chất liệu đá được sử dụng để chạm khắc những hình tượng rồng vô cùng vững chắc và kỳ công từ những người nghệ nhân thời Nguyễn, mang tới một công trình bền bỉ qua hàng thế kỷ. Hai bên bậc cấp chính, các họa tiết trang trí mang tính cách điệu, nhẹ nhàng hơn, với hoa lá và mây sóng được biến hóa thành những đường nét mềm mại. Các chi tiết này tượng trưng cho sự uyển chuyển của tự nhiên, thể hiện tinh thần nghệ thuật phong phú và sáng tạo, một nét đặc trưng trong kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn.
Hồ bán nguyệt và cảnh quan thiên nhiên
Trước sân lăng Hiếu Đông, hồ bán nguyệt hiện lên như một điểm nhấn giữa không gian lăng tẩm tĩnh lặng. Hồ nước được thiết kế theo nguyên tắc phong thủy, tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầu. uy nhiên, theo thời gian, nước trong hồ đã cạn khô, chỉ còn lại lau lách và cỏ dại mọc um tùm. Sự hoang sơ, đổ nát của cảnh vật không làm mất đi vẻ đẹp huyền bí của nơi đây, mà ngược lại, càng làm tăng thêm cảm giác trầm mặc và hoài cổ, khiến người tham quan dễ dàng bị cuốn hút vào không gian tĩnh lặng, đầy xúc cảm của quá khứ.
Hai trụ biểu giữa khu rừng
Một trải nghiệm thú vị tới công trình kiến trúc hiếm có tại lăng Hiếu Đông là đi trên con đường men theo sườn đồi, băng qua vườn cây rậm rạp để ngắm nhìn hai trụ biểu bề thế giữa khu rừng. Khoảng cách từ Bửu thành đến trụ biểu khoảng 300m, nhưng con đường dẫn đến đó không hề dễ dàng, khi du khách phải len lỏi qua các bụi dây gai, đi giữa không gian hoang dại của thiên nhiên. Đây là một trong những điểm khác biệt rõ rệt của lăng Hiếu Đông so với các lăng tẩm khác, nơi mà du khách không chỉ thưởng ngoạn kiến trúc mà còn hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ.
Kiến trúc cổng lăng
Cổng lăng Hiếu Đông được xây dựng bằng đá, mang vẻ đẹp mạnh mẽ nhưng không kém phần tinh tế. Cổng lăng được trang trí với những hoa văn được khắc họa tinh xảo cùng hình cánh phượng uyển chuyển, tinh tế. Các dải hoa văn chạy dọc theo cổng lăng được thiết kế theo mô-típ dây leo uốn lượn, tạo nên sự mềm mại và liền mạch trong tổng thể kiến trúc. Điểm nhấn đặc biệt là hình tròn kiểu vân sơn tụ ở vị trí trung tâm, đặt ở nơi cao nhất trên cổng, mang ý nghĩa sâu sắc về triết lý nhân sinh và sự kết nối giữa trời và đất. Các đường diềm trang trí không chỉ dừng lại ở phần trên của cổng mà còn chạy dài sang hai bên, tạo nên sự cân đối và hài hòa. Phần tai của cổng được tạo thành hai vòm cong với nhiều lớp họa tiết xếp chồng lên nhau, khác biệt rõ rệt so với phong cách trang trí thường thấy ở các lăng khác triều Nguyễn. Thay vì sự đồng đều trong cách bố trí họa tiết, lăng Hiếu Đông có mật độ họa tiết dày đặc hơn, đặc biệt là các chi tiết về “ẩn vân” của rồng được khắc chạm rất công phu và phong phú.
Biến thể trang trí và sự độc đáo của kiến trúc lăng Hiếu Đông
Không giống như những công trình lăng tẩm khác, lăng Hiếu Đông sở hữu đột phá trong phong cách trang trí. Ở phần bệ chân quỳ của bình phong, các họa tiết được thể hiện theo một phong cách hoàn toàn khác biệt. Không giống với cách trang trí truyền thống ở các lăng tẩm khác, các ô và hộc trên bình phong tại lăng Hiếu Đông được bố trí với một sự đa dạng và sáng tạo hiếm thấy, mang lại cho người xem cảm giác mới mẻ và lạ lẫm. Dưới thời vua Thiệu Trị, hoa văn trang trí được chạm khắc trên đá tại các công trình lăng tẩm không chỉ phong phú về kiểu dáng mà còn thể hiện sự khác biệt rõ rệt về phong cách so với những thời kỳ khác. Những chi tiết nhỏ nhất, từ hoa lá đến hình tượng rồng, đều được chăm chút tỉ mỉ, tạo nên một không gian kiến trúc vừa uy nghi, vừa nghệ thuật.
4. Lưu ý khi tới tham quan lăng Hiếu Đông
Là một công trình kiến trúc nổi tiếng tại Huế, lăng Hiếu Đông thu hút nhiều du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng kiến trúc và tìm hiểu lịch sử. Chính vì thế, khi ghé thăm lăng Hiếu Đông, bạn nên lưu ý một số điều sau đây để có được trải nghiệm du lịch tốt nhất nhé!
- Tôn trọng di tích: Lăng Hiếu Đông là một di sản văn hóa quý giá nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế, vì thế, du khách khi tới tham quan nên đảm bảo tính tôn trọng, bảo tồn điểm đến này qua các hành động như: không xả rác, không vẽ bậy hoặc làm hư hại bất kỳ phần nào của công trình. Đặc biệt, bạn tuyệt đối không trèo lên các công trình kiến trúc, bậc cấp hay tường thành trong lăng để check in và vui chơi nhằm tránh tổn hại đến các di tích.
- Trang phục phù hợp: Lăng Hiếu Đông là điểm đến du lịch tâm linh tại Huế nên du khách khi tới đây chú ý mặc những trang phục lịch sự và kín đáo, thể hiện sự tôn trọng đối với không gian tâm linh và văn hóa lăng tẩm. Đặc biệt, bạn không nên mặc quần áo quá ngắn và hở hang, không phù hợp với điểm đến tôn nghiêm này.
- Chuẩn bị đồ cá nhân: Bạn có thể mang theo nước uống và đồ ăn nhẹ để giữ sức trong quá trình tham quan lăng vì xung quanh lăng không có nhiều quầy bán hàng nước hay đồ ăn nhanh. Ngoài ra, du khách nên chuẩn bị thêm mũ, nón và thuốc xịt chống côn trùng để bảo vệ bản thân khỏi ánh nắng và côn trùng tại khuôn viên lăng.
5. Những địa điểm du lịch gần lăng Hiếu Đông
Xung quanh lăng Hiếu Đông có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm du lịch hơn. Bạn có thể tham khảo một số địa điểm được SmartTravel gợi ý sau đây:
- Lăng Tự Đức: Nơi đây là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của các vua triều Nguyễn. Sở hữu không gian xanh mát, thơ mộng từ kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, lăng Tự Đức còn mang lại cho du khách những góc nhìn rõ nét hơn về lịch sử thời trước. Chính những điểm nhấn từ kiến trúc và ý nghĩa lịch sử này đã tạo nên một điểm đến lý tưởng để thư giãn và tận hưởng không gian yên bình.
- Đồi Vọng Cảnh: Đồi Vọng Cảnh là điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh sông Hương và Cố đô Huế từ trên cao. Nơi đây là một địa điểm tuyệt vời để chụp ảnh và thư giãn giữa không gian thiên nhiên.
- Điện Hòn Chén: Điện Hòn Chén nằm trên núi Ngọc Trản, bên dòng sông Hương, là nơi thờ phụng nữ thần Thiên Y A Na. Nơi đây là một địa điểm tâm linh quan trọng và là một điểm du lịch nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.
Tham quan và tìm hiểu lịch sử tại lăng Hiếu Đông được đánh giá là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất tại chuyến du lịch xứ Huế. Nếu có dịp tới mảnh đất mộng mơ này bạn đừng bỏ lỡ điểm đến này nhé!