Tết không chỉ có bánh chưng: Ẩm thực chay cho ngày đầu năm

Tết Nguyên Đán thường gắn liền với những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu hay giò chả. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người lựa chọn món chay để thưởng thức trong dịp lễ này. Ẩm thực chay ngày Tết không chỉ đa dạng, phong phú mà còn mang ý nghĩa về sự an lành. Trong bài viết này, SmartTravel sẽ chia sẻ đến bạn những gợi ý cho bữa ăn chay trong ngày đầu năm mới.

Ý nghĩa và lợi ích của việc ăn món chay đầu năm

Theo quan niệm dân gian, ăn chay vào ngày đầu năm giúp giữ tâm hồn thanh tịnh, tránh sát sinh và khởi đầu một năm mới với lòng từ bi, an lành. Bên cạnh đó, ẩm thực chay còn biểu trưng cho sự giản dị và hài hòa, gợi nhắc chúng ta về việc sống chậm lại, trân trọng những giá trị tinh thần thay vì chỉ tập trung vào vật chất. Mâm cỗ chay với các món ăn nhẹ nhàng, thanh mát cũng là cách để gia đình thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và mong cầu một năm mới bình an, thuận hòa.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc ăn món chay trong ngày đầu năm còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe. Các món chay chủ yếu được chế biến từ rau củ, ngũ cốc, đậu hũ và các loại hạt, cung cấp đầy đủ chất xơ, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Sau khi tiêu thụ các món ăn nhiều dầu mỡ và đạm động vật, một bữa ăn chay sẽ giúp cơ thể thanh lọc, đồng thời hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hơn thế nữa, ăn chay còn là cách bảo vệ môi trường, giảm tác động tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên.

Món chay đầu năm. Nguồn ảnh: Sưu tâm

Gợi ý ẩm thực chay cho ngày đầu năm nhẹ nhàng

Nếu bạn chưa biết nên chuẩn bị món chay nào cho mâm cỗ đầu năm thì hãy tham khảo ngay những gợi ý dưới đây nhé!

1. Gỏi cuốn chay

Gỏi cuốn chay là một món ăn thanh đạm nhưng không kém phần hấp dẫn trong ngày Tết. Với sự kết hợp của rau xà lách, bún, các loại rau củ như cà rốt, dưa leo và đậu hũ chiên, gỏi cuốn chay mang đến hương vị tươi mát, tự nhiên. Đây là món ăn giàu chất xơ mà còn ít dầu mỡ, rất tốt cho sức khỏe sau những bữa tiệc thịnh soạn.

Để làm món gỏi cuốn chay, bạn cần chuẩn bị bánh tráng và các nguyên liệu tươi. Xếp từng lớp rau, bún, đậu hũ và rau củ thái sợi lên bánh tráng, sau đó cuộn chặt tay để tạo hình đẹp mắt. Nước chấm kèm theo được pha từ nước tương, chanh, tỏi và ớt, mang lại vị mặn ngọt hài hòa, khiến món ăn trở nên trọn vẹn. Gỏi cuốn chay không chỉ là một món khai vị tuyệt vời mà còn mang lại cảm giác thanh tịnh và nhẹ nhàng cho ngày đầu năm.

Gỏi cuốn chay. Nguồn ảnh: Sưu tâm

2. Nem rán chay

Nem rán là một trong những món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết. Với lớp vỏ vàng giòn bao bọc nhân bên trong làm từ nấm, cà rốt, củ đậu, và miến, nem rán chay mang đến hương vị hài hòa. Sự kết hợp giữa các nguyên liệu đơn giản nhưng phong phú về dinh dưỡng tạo nên món ăn vừa bắt mắt, vừa ngon miệng. 

Để làm món nem rán chay, bạn cần cuộn nhân đã được trộn đều vào bánh đa nem, sau đó rán vàng trong dầu nóng. Khi ăn, nem giòn tan, thơm lừng, chấm cùng nước mắm chay pha chua ngọt. Món ăn này mang ý nghĩa gắn kết, chia sẻ niềm vui trong những ngày đầu năm.

Nem rán chay. Nguồn ảnh: Sưu tâm

3. Canh kiểm

Canh kiểm là món ăn đặc trưng của người miền Nam trong dịp Tết, mang đậm hương vị ngọt thanh từ các loại củ quả. Được nấu từ khoai lang, bí đỏ, cà rốt và nước cốt dừa, món canh này vô cùng thơm béo, hấp dẫn. Món canh kiểm không chỉ là một phần của bữa ăn chay mà còn là cách để người miền Nam gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong ẩm thực Tết.

Món canh kiểm được chế biến bằng cách nấu mềm các loại củ quả, sau đó thêm nước cốt dừa để tạo độ sánh mịn và béo ngậy. Hương thơm nhẹ nhàng từ lá dứa giúp món ăn thêm phần đặc biệt. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt tự nhiên, hòa quyện với vị béo của nước cốt dừa, cảm giác ấm áp, trọn vẹn trong từng thìa canh.

Canh kiểm. Nguồn ảnh: Sưu tâm

4. Rau củ kho chay

Rau củ kho chay là món ăn giàu dinh dưỡng, đậm đà, rất thích hợp trong những ngày Tết. Sự kết hợp giữa nấm, cà rốt, củ cải, đậu hũ, và nước dừa tạo nên món ăn đầy màu sắc. Đây là món ăn giúp làm dịu vị giác sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ và đem đến cảm giác ấm cúng, quây quần.

Món rau củ kho chay được nấu chậm trên lửa nhỏ để các nguyên liệu thấm đều gia vị. Vị ngọt từ củ quả kết hợp với nước tương và tiêu cay nhẹ khiến món ăn trở nên hấp dẫn. Khi dọn lên bàn, mùi thơm ngào ngạt của rau củ kho chay khiến mọi người khó lòng cưỡng lại, đặc biệt khi ăn kèm với cơm nóng.

Rau củ kho chay. Nguồn ảnh: Sưu tâm

5. Xôi chay

Xôi chay là món ăn truyền thống tượng trưng cho sự đủ đầy và no ấm. Các loại xôi như xôi gấc, xôi đậu xanh, xôi lá dứa không chỉ mang màu sắc bắt mắt mà còn có hương vị thơm ngon, đặc trưng. Xôi gấc với màu đỏ tươi là biểu tượng của may mắn, trong khi xôi đậu xanh lại mang hàm ý về sự hòa thuận, đoàn viên.

Xôi chay được nấu từ nếp ngon, ngâm mềm và hấp chín cùng các nguyên liệu tự nhiên. Để tăng thêm độ béo, người ta thường rưới một chút nước cốt dừa khi xôi vừa chín tới. Món xôi thể hiện sự trang trọng và tinh tế, rất phù hợp để dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc làm món chính trong bữa tiệc Tết.

Xôi chay. Nguồn ảnh: Sưu tâm

6. Đậu hũ sốt cà chua

Đậu hũ nhồi rau củ sốt cà chua là một món ăn chay mang lại sự cân bằng tuyệt vời trong thực đơn ngày Tết. Với nguyên liệu chính là đậu hũ mềm, nhân rau củ và nước sốt cà chua thơm ngon, món ăn bắt mắt này cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho gia đình. Lớp vỏ đậu hũ mềm mại bên ngoài kết hợp cùng nhân rau củ bên trong, thấm đẫm trong nước sốt chua ngọt, tạo nên hương vị hài hòa, khiến ai thưởng thức cũng phải xuýt xoa.

Để chế biến món ăn này, đậu hũ được khoét nhẹ để tạo khoang trống, sau đó nhồi nhân rau củ gồm nấm, cà rốt, củ sắn hoặc đậu xanh nghiền nhỏ đã được xào chín và nêm gia vị vừa miệng. Những miếng đậu hũ sau đó được chiên vàng hoặc hấp chín để giữ nguyên độ mềm. Sốt cà chua được nấu từ cà chua tươi, hành tỏi băm, thêm chút đường, nước tương để tạo vị chua ngọt đặc trưng. Món này thường được dùng nóng, ăn kèm cơm trắng hoặc bún, rất phù hợp cho bữa cơm gia đình ngày Tết.

Đậu hũ cà chua. Nguồn ảnh: Sưu tâm

7. Chả lụa chay

Chả lụa chay là món ăn thanh đạm, phù hợp cho những ai yêu thích ẩm thực nhẹ nhàng và tốt cho sức khỏe. Được làm từ các nguyên liệu thuần chay như tàu hũ ky, bột năng, bột mì và các gia vị tự nhiên, chả lụa chay mang hương vị hài hòa và dễ ăn. Món ăn này thường được gói trong lá chuối, khi hấp chín có mùi thơm đặc trưng, vừa giản dị, vừa cuốn hút.

Chả lụa chay có thể được thưởng thức theo nhiều cách như ăn kèm cơm, cuốn rau sống hay dùng với bánh mì. Vị dai mềm, đậm đà của chả kết hợp cùng nước mắm chay hoặc nước tương tạo nên món ăn tròn vị. Đây không chỉ là lựa chọn lý tưởng cho người ăn chay mà còn làm cho bữa cơm gia đình thêm phong phú.

Chả giò chay. Nguồn ảnh: Sưu tâm

8. Bánh bao chay

Bánh bao chay là món ăn nhẹ nhàng, dễ làm và rất phù hợp cho không khí thanh tịnh của ngày Tết. Những chiếc bánh bao tròn trịa, mềm mịn với nhân đậu xanh, nấm hoặc rau củ không chỉ thơm ngon mà còn tượng trưng cho sự đầy đủ, viên mãn. Món bánh này rất tiện lợi, có thể dùng làm bữa sáng, món ăn vặt, hoặc mang theo trong các chuyến đi chơi Tết.

Quá trình làm bánh bao chay bắt đầu từ việc nhào bột. Bột mì được trộn đều với nước, đường, men nở và một chút dầu ăn, sau đó để nghỉ cho bột nở đều, trở nên mịn màng và dẻo dai. Nhân bánh có thể là đậu xanh hấp chín, giã nhuyễn và trộn với đường để tạo vị ngọt, hoặc hỗn hợp rau củ như nấm, cà rốt, củ cải xào chín, nêm gia vị vừa miệng. Bột sau khi nghỉ được chia thành từng phần nhỏ, bọc nhân bên trong rồi vo tròn. Bánh được hấp trong xửng khoảng 15–20 phút đến khi chín, tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. 

Bánh bao chay. Nguồn ảnh: Sưu tâm

Tết không chỉ có bánh chưng hay những món ăn truyền thống, mà còn là dịp để khám phá sự đa dạng, độc đáo của ẩm thực chay. Một mâm cỗ chay là cách để thể hiện lối sống lành mạnh và bền vững. Chúc bạn và gia đình một năm mới thật an khang, thịnh vượng, và tràn đầy yêu thương! 

Related Posts

Leave a Reply