Mỗi dịp Tết đến xuân về, các làng quê Việt Nam lại rộn ràng với những lễ hội truyền thống, trong đó không thể thiếu lễ hội kéo co – một nét đẹp văn hóa dân gian lâu đời. Cùng SmartTravel khám phá những nét đẹp của trò chơi này trong lễ hội đầu xuân để hiểu hơn về sức mạnh và tinh thần đoàn kết của những người con đất Việt nhé!
1. Đôi nét về trò chơi kéo co
Kéo co là một trong những trò chơi dân gian truyền thống phổ biến ở khắp các làng quê Việt Nam, đặc biệt thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, Tết Nguyên Đán hoặc hội làng. Trò chơi này mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể và sự hòa hợp cộng đồng.
Kéo co thường được tổ chức ngoài trời tại những khu vực rộng rãi với hai đội chơi và một sợi dây thừng chắc chắn làm đạo cụ. Trò chơi này không chỉ đòi hỏi sức mạnh cá nhân mà còn là thử thách để thể hiện sức mạnh đội nhóm và sự phối hợp nhịp nhàng cùng chiến thuật tinh tế của cả đội chơi. Đặc biệt, trò chơi này không phân biệt tuổi tác, giới tính, bất cứ ai cũng có thể tham gia, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi. Giữa không khí vui nhộn cùng tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả, chắc chắn mỗi người chơi sẽ có nhiều kỉ niệm đẹp và trải nghiệm vui chơi đáng nhớ.

Vào ngày 2/12/2015, trò chơi kéo co của Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bởi UNESCO tại phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại bốn tỉnh, thành: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội.
2. Nguồn gốc trò chơi kéo co truyền thống
Trò chơi kéo co có nguồn gốc từ lâu đời và xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, trò chơi này một trong những nét văn hóa dân gian đặc sắc, gắn bó mật thiết với đời sống và tâm hồn của người dân. Theo các nhà nghiên cứu, kéo co ban đầu là một nghi lễ nông nghiệp, mang ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, thời tiết thuận lợi và cuộc sống ấm no. Trò chơi này thường được tổ chức trong các lễ hội mùa xuân, khi người dân tạ ơn thần linh và cầu chúc cho một năm mới tốt đẹp.
Ngoài ra, theo truyền thuyết, trò chơi kéo co ngồi có nguồn gốc từ nghi lễ cầu mong nguồn nước dồi dào phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Ví dụ ở làng Cự Linh thờ các vị Thánh đều liên quan mật thiết đến yếu tố nước. Thành hoàng làng – Đức Thánh Linh Lang, được cho là có xuất thân từ thủy cung, tượng trưng cho thần Nước. Ngoài ra, Đức Trấn Vũ, một vị thánh trong đạo giáo với quyền năng điều khiển gió mưa (hay còn gọi là thần Trị Thủy), cũng được tôn thờ tại đây. Sự gắn kết giữa trò kéo co ngồi và tín ngưỡng thờ cúng các vị thần trị thủy phản ánh mong muốn về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, đặc biệt là yếu tố nước quan trọng trong đời sống.

Lễ hội kéo co thường được tổ chức vào các dịp lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa hoặc những sự kiện lớn tại làng quê, trường học và cộng đồng địa phương trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những thời điểm phổ biến diễn ra lễ hội kéo co bao gồm:
- Dịp Tết Nguyên đán: Lễ hội kéo co thường được tổ chức vào những ngày đầu xuân năm mới tại những lễ hội truyền thống hoặc tụ họp gia đình. Mọi người sẽ cùng nhau tham gia trò chơi này để thể hiện tinh thần đoàn kết và cầu mong một năm may mắn, hòa thuận, thịnh vượng.
- Lễ hội truyền thống của làng, xã: Nếu du khách tới tham quan đúng vào những dịp lễ hội của địa phương, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp và có thể tham gia trò chơi kéo co này. Đây là trò chơi dân gian gắn liền với các lễ hội truyền thống của từng vùng, thường vào mùa xuân hoặc mùa thu, khi thời tiết thuận lợi. Ví dụ: Lễ hội kéo co ở làng Vân (Vĩnh Phúc) hay Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ),…
- Ngày hội văn hóa: Trong những dịp lễ kỷ niệm hoặc ngày hội lớn như ngày hội thể thao, trò chơi kéo co này cũng được tổ chức như một cách khuyến khích sự gắn kết cộng đồng.
- Hoạt động học đường hoặc công sở: Trong các chương trình chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), hoặc các hoạt động ngoại khóa, kéo co cũng được tổ chức như một hoạt động giải trí tập thể.

3. Những luật lệ và ý nghĩa của trò chơi kéo co
Nghi lễ kéo co thường diễn ra tại sân đình, nơi mang đậm tính chất văn hóa cộng đồng. Dây kéo sử dụng trong trò chơi thường được làm từ các vật liệu tự nhiên như song tre, dây mây, hoặc gai dầu, thể hiện sự gắn bó với đặc trưng tự nhiên và văn hóa của từng vùng miền. Trò chơi kéo co luôn có sự tham gia của hai đội với số lượng thành viên bằng nhau. Cả hai đội cùng nắm chặt dây kéo, với một dải lụa đỏ được buộc ở giữa dây làm mốc. Khi hiệu lệnh bắt đầu vang lên, các thành viên trong đội siết chặt tay, cùng kéo dây về phía mình. Đội nào đưa được dải lụa đỏ qua vạch mốc về phía mình trước sẽ giành chiến thắng.

Kéo co là một trò chơi dân gian quen thuộc, dễ tổ chức và thu hút sự tham gia của mọi người ở mọi độ tuổi và tầng lớp xã hội. Dù mang tính đối kháng, kéo co không đặt nặng chuyện thắng thua, mà chú trọng vào tinh thần đoàn kết, niềm vui chung và sự kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng. Sức hấp dẫn của trò chơi này nằm ở khả năng tạo nên bầu không khí sôi động, đồng thời thể hiện sức mạnh và sự phối hợp khéo léo của cả tập thể.
Đặc biệt, những giá trị tín ngưỡng và nghi lễ là yếu tố cốt lõi, trường tồn của kéo co, được thể hiện qua các phong tục, quy định trong việc chọn lựa dây kéo, chất liệu dây, và thành viên tham gia. Những quy tắc này không chỉ mang ý nghĩa thi đấu mà còn ẩn chứa giá trị tâm linh, mô phỏng sự tương tác giữa các sức mạnh tự nhiên như ánh sáng mặt trời, nguồn nước, lũ lụt, khô hạn, và hiện tượng mưa gió. Vì vậy, trong nhiều lễ hội, kéo co không chỉ là trò chơi mà còn mang ý nghĩa cầu mùa, cầu may, hoặc biểu trưng cho sự đoàn kết cộng đồng.’’

Trên đây là những chia sẻ về lễ hội và trò chơi kéo co truyền thống của người Việt trong ngày Tết hoặc lễ hội truyền thống. Nếu có cơ hội tham gia, hãy cố hết sức nhé!